Hai dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức (tại tỉnh Hà Nam) đang tấp nập công nhân, xe máy khẩn trương thi công. Xe, máy và công nhân của Liên danh nhà thầu Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty Thành An, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đang thi công hoàn thiện nốt các hạng mục cuối cùng của phần móng các tòa nhà tại các dự án này.
Trước đó, ngày 13/12/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã “ấn nút” khởi công xây dựng 2 dự án trên. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường, với diện tích 21 ha, diện tích sàn 119.952 m2, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẽ khánh thành, đi vào hoạt động từ tháng 12/2017.
Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường, với diện tích 21,7 ha, diện tích sàn 119.962 m2, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ khánh thành giai đoạn I vào tháng 12/2016, khánh thành toàn bộ tháng 12/2017.
Dự án bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở II |
Sau thời gian được UBND tỉnh Hà Nam giao đất, giao mặt bằng sạch, đất đã san lấp, có hạ tầng đầy đủ (giao thông, điện, cấp nước, thoát nước…), các nhà thầu đã gấp rút thi công và cơ bản hoàn thành các phần móng của các tòa nhà.
Theo Ban Quản lý các dự án trọng điểm của Bộ Y tế, các dự án này sẽ hoàn thành đúng thời hạn, theo yêu cầu đề ra.
Cũng trong những ngày đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cắt băng khánh thành Khu Khám bệnh thuộc Dự án xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Dự án được xây dựng trên diện tích gần 12 ha, gồm 3 nhà liên kết 9 tầng với các khu khám bệnh, cùng các trang thiết bị điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn I triển khai xây dựng các khoa Dinh dưỡng, Kiểm soát chống nhiễm khuẩn, Giải phẫu bệnh lý với 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Một trong những dự án trọng điểm trong năm 2016 khác của Hà Nội là Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi tại Hà Đông cũng đang được triển khai khẩn trương. Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội – giai đoạn I được khởi công xây dựng ngày 27/10/2015, với tổng mức đầu tư 784,4 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội, đơn vị thi công phải hoàn thành xây dựng phần thô ngay trong năm 2016, hoàn thiện và đưa Dự án vào sử dụng trong năm 2017.
Trong năm 2016, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hoàn tất các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm nay, TP.HCM dự kiến khởi công xây dựng thêm 3 bệnh viện đa khoa tại Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn, với tổng vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng.
Còn tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới bệnh viện tư nhân, với 4.000 – 6.000 giường bệnh, diện tích đất là 30 – 60 ha, tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng. Hiện nay, bên cạnh 29 bệnh viện tư nhân với 1.048 giường bệnh, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành liên quan triển khai 18 dự án đã được UBND Thành phố giao đất với trên 2.000 giường bệnh. Các dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2016 – 2020.
Nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế trong giai đoạn 2016 – 2020 là rất lớn, nhưng nguồn vốn lại rất khiêm tốn. Để giải quyết bài toán này, Bộ Y tế đã cho phép các bệnh viện được liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Bộ Y tế cũng đề nghị được vay Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam 2.000 – 3.000 tỷ đồng, được cấp bù lãi suất hoặc không phải trả lãi, thời gian trả 10 – 20 năm để xây dựng một số bệnh viện trung ương.
Đối với phát triển y tế tư nhân, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương tháo gỡ khó khăn về đất đai, nguồn vốn, nhân lực. Đồng thời, xây dựng cơ chế đối tác công – tư (PPP) trong đầu tư xây dựng bệnh viện mới.