Những leo thang mới nhất chứng tỏ hai nước vẫn chưa tìm được cách thức để đàm phán hiệu quả.
Trước khi bước vào hội đàm thương mại ở Washington tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đều phát đi các tín hiệu rằng hai bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận, đến nỗi họ sắp bàn đến khâu hậu cần của một lễ ký. Nhưng chỉ trong vài ngày, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
Ảnh: Business Insider
Vào phút chót, Tổng thống Trump thông báo tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh hủy bỏ các cam kết. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhóm cố vấn thân cận lập tức bàn cách trả đũa.
Sau đó, hai bên quyết định sẽ vẫn gặp nhau để tránh rạn nứt tới mức không thể hàn gắn, thậm chí chỉ để giữ cho đối thoại vẫn diễn ra. Vì vậy, đến nay, đàm phán thương mại chỉ mang lại rất ít bằng chứng cho thấy hai nước đã tìm ra cách thức đàm phàn thành công kể từ khi ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Buenos Aires ngày 1/12.
Hôm 12/5, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói trong một bài phỏng vấn của Fox News rằng Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại nước này Robert Lighthizer tới Bắc Kinh để đàm phán nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể nào. Kudlow gợi ý một lối thoát, hai lần nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng lãnh đạo Mỹ – Trung dự kiến gặp lại nhau tại hội nghị G-20 tiếp theo ở Nhật bản vào cuối tháng 6.
Xóa bỏ rạn nứt thương mại rốt cuộc lại tùy thuộc vào Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, và họ sẵn sàng thúc đẩy vấn đề sau những tháng đàm phán vốn gắn liến với rất nhiều ý định tích cực nhưng cũng đầy những tính toán sai lầm và cáo buộc lẫn nhau.
Bị đe dọa chính là các quy tắc cho thương mại toàn cầu trong một trật tự thế giới vốn đang được thúc đẩy bởi sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc, và cả hai bên đều muốn thể hiện sức mạnh. Tuy nhiên, tranh cãi càng kéo dài thì nguy cơ sụp đổ kinh tế cho cả hai nước càng lớn, kéo theo đó là tình trạng bất trắc cho các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Một hiệp ước thương mại cuối cùng có thể tạo động lực cho cả Mỹ và Trung Quốc, cung cấp chìa khóa cho hai bên ngồi lại với nhau ở một số mặt trận khác, từ chiến dịch của Mỹ chống tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei do lo ngại an ninh trong lĩnh vực viễn thông đến các quyền hàng hải ở Biển Đông.
Sau cuộc gặp Trump – Tập ở Argentina bên lề hội nghị G20, Mỹ thông báo sẽ hoãn tăng thuế từ 10% lên 25% vào ngày 1/3 nếu lo lắng của Washington được giải tỏa. Khi đến thời hạn này, Tổng thống Trump lại thông báo dừng vô hạn định nhưng sự kiên nhẫn đã hết vào ngày 5/5, khi ông lên Twitter thông báo sẽ tăng thuế trong 5 ngày nữa. Mức thuế tăng đánh vào lượng hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 10/5.
Đàm phán vẫn diễn ra nhưng căng thẳng vẫn bùng nổ. Hồi tháng 2, Mỹ than phiền Trung Quốc thay đổi các điều khoản đã nhất trí trước đó và điều này tái diễn trong thời gian gần đây. “Họ chơi chiêu trò với chúng tôi”, một quan chức thương mại cấp cao Mỹ nói về các cuộc hội đàm ở Washington cách đây 3 tháng. “Nhiều lần chúng tôi bày tỏ sự thất vọng thực sự… Bạn có thể tử tế với ai đó nhưng cũng có lúc bạn cần phải lên tiếng ‘đừng làm phiền tôi nữa’”.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Mnuchin thông báo các nhà đàm phán đã đồng ý về cơ chế thực thi các điều khoản của một thỏa thuận thương mại tiềm tàng, khẳng định một trong những trở ngại chính đã được xóa bỏ dù Bắc Kinh không bao giờ đồng ý vấn đề đã được dàn xếp. Trước khi tới Bắc Kinh họp bàn thêm, ông Mnuchin nói đàm phán thương mại đang tiến gần tới vòng cuối kết luận các vấn đề”.
Sau đó, khi ông và ông Lighthizer chuẩn bị lên máy bay về nước, ông viết trên Twitter ngày 1/5 rằng các cuộc gặp “rất hiệu quả”. Ông Lighthizer có chung đánh giá như vậy.
Nhưng hoài nghi càng lớn khi Trung Quốc, theo quan điểm của Mỹ, bắt đầu từ bỏ các điều khoản đã nhất trí trước khi bắt đầu cuộc hội đàm tuần trước. Đặc biệt, ông Lighthizer cho rằng Trung Quốc “đang thay đổi các điểm mục tiêu” ở một số chi tiết nhất định khi thỏa thuận sắp xuất hiện trong tầm tay.
Các nhà đàm phán Trung Quốc đã để cho phía Mỹ biết rằng họ đã có những dự phòng nghiêm túc với văn bản này. Bắc Kinh không còn muốn cam kết thay đổi các điều luật liên quan sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc, bảo hộ cùng nhiều vấn đề khác vốn là tâm điểm của chiến tranh thương mại hiện nay.
Với Trung Quốc, đây còn là vấn đề danh dự: Mỹ nên tin tưởng Bắc Kinh sẽ thực hiện những thay đổi đã cam kết, kể cả điều đó nhắm đến thay đổi các quy định chứ không phải luật pháp. Ngoài ra, Mỹ cũng không công bằng khi từ chối gỡ bỏ các mức thuế quan đã áp trong một năm chiến tranh vừa qua.
Ở Bắc Kinh, khi các cuộc đàm phán diễn ra, giới chức Trung Quốc tin họ đang có lợi thế. Tạp chí Phố Wall trước đó đưa tin, do Bắc Kinh nhìn nhận việc Tổng thống Trump công khai chỉ trích Cục Dự trữ liên bang và muốn hạ lãi suất chính là dấu hiệu chứng tỏ ông lo lắng về hướng đi tương lai của nền kinh tế Mỹ. Do vậy, giới chức Bắc Kinh nôn nóng tiến nhanh tới thỏa thuận.
Đó là một tính toán sai lầm. Ông Trump từ lâu đã kêu gọi hạ thấp chi phí vay mượn và cũng liên tục nhắc đến sức bền của nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình càng cảm thấy tự tin bởi sự tăng trưởng kinh tế – kết quả của các chính sách kích thích của Bắc Kinh – và nhận định rằng kinh tế Mỹ chuẩn bị tiến vào chu kỳ chậm lại.
“Thời gian đang đứng về phía chúng ta“, một quan chức cấp cao Bắc Kinh thậm chí đã quả quyết như vậy.
Chính vì thế, phía Trung Quốc đã rất bất ngờ, khi ba ngày trước khi đàm phán ở Washinton diễn ra, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan, từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh thoái lui – mối đe dọa ban đầu mà ông đặt ra cho thời hạn chót tăng thuế 1/3. Ông cũng tuyên bố sẽ bắt đầu các tiến trình pháp lý cần thiết để bổ sung thuế vào hầu hết các mặt hàng.
Theo Tạp chí Phố Wall, trong bối cảnh đó, chìa khóa cho những diễn biến tương lai có thể nằm trong tay lãnh đạo hai nước. Tổng thống Trump cho biết Chủ tịch Tập đã gửi cho ông một lá thư khi cuộc đàm phán tuần trước bắt đầu. “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau, hãy cùng xem liệu chúng ta có thể giải quyết được điều gì đó không”.
Và sau cuộc đàm phán, ông Trump viết trên Twitter: “Mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập và tôi vẫn rất mạnh mẽ, và các cuộc hội đàm trong tương lai sẽ tiếp tục”.
Ông cho biết thêm rằng thuế “có thể hoặc không được dỡ bỏ tùy thuộc vào những gì xảy ra với các cuộc đàm phán trong tương lai”. “Hiện tại, dường như cách duy nhất để khơi thông bế tắc là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo”, một quan chức Bắc Kinh kết luận.
Nguồn: Thanh Hảo – Báo Vietnamnet