Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2018, ngành xây dựng phải nỗ lực đạt mức tăng trưởng 9,2%

 

Ngày 16-1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành xây dựng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao thành công của ngành xây dựng năm 2017 với mức tăng trưởng khá, đạt 8,7%; các chỉ tiêu khác của ngành đều tăng. Trong đó, ngành vật liệu xây dựng có bước phát triển tốt, xuất khẩu xi-măng đứng đầu ASEAN, đứng thứ 10 trên thế giới, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng có uy tín, chất lượng cao. Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý đầu tư xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực, qua kiểm tra đã cắt giảm từ 3 đến 4% tổng mức đầu tư so dự toán ban đầu, đồng thời hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về định mức, đơn giá xây dựng cùng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đã góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng. Công tác quản lý quy hoạch đô thị đã được cải tiến, bám sát sự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, cũng như ứng phó biến đổi khí hậu…

Thủ tướng lưu ý, tuy đạt được nhiều thành công, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Ngành xây dựng cần mổ xẻ, đánh giá khả năng tăng trưởng năm qua (8,7%), nhưng vẫn còn thấp hơn năm 2016 (10%) để tìm ra nguyên nhân khắc phục. Việc xây dựng thể chế còn chậm, gây bức xúc. Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đạt yêu cầu, chất lượng thấp, thậm chí vừa làm xong đã phải sửa. Ðiều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, bất cập trong quy hoạch nông thôn. Cơ cấu bất động sản đã được điều chỉnh, nhưng chưa hợp lý. Trong phạm vi toàn xã hội chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội, nhất là các địa phương, nguồn cung loại hình nhà ở này còn quá ít so với nhu cầu. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu mới ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường chưa được triển khai hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng còn kém. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng còn chậm.

Ðể hoàn thành nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành cần đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng để có những định hướng tiếp theo. Tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu ngành xây dựng, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Thủ tướng giao nhiệm vụ tăng trưởng ngành xây dựng trong năm 2018 phải đạt mức 9,2%, đồng thời đến năm 2020, xây dựng được các công trình thiết yếu, bảo đảm chất lượng; chống thất thoát, tham nhũng, giảm đến mức thấp nhất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án. Tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng thông qua các hình thức đầu tư hiệu quả như hợp tác đối tác công – tư (PPP); đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật phù hợp xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0, trong đó tập trung phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, nhất là giải quyết bài toán sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Xây dựng lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp hợp lý nhằm ổn định thị trường, không gây thất thoát vốn nhà nước.

Thủ tướng chỉ đạo ngành xây dựng tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, cần đổi mới tư duy, phương pháp trong phát triển đô thị với sự tham gia của các hiệp hội, ngành nghề liên quan. Tăng cường kiểm tra việc triển khai quy hoạch và kế hoạch. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng dự thảo trình Chính phủ Chỉ thị về tăng cường quản lý phát triển đô thị; đồng thời, phối hợp các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thiện đề án đánh giá và hệ thống thông tin hiệu quả về thị trường bất động sản, quản lý tốt thị trường quan trọng này để không xảy ra những biến động lớn, hiện tượng “bong bóng”.

PV

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/35302802-nam-2018-nganh-xay-dung-phai-no-luc-dat-muc-tang-truong-9-2.html

Tin Liên Quan